Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang là vấn đề nóng hổi, được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành và người dân cả nước. Thực trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, số liệu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam tăng cao đòi hỏi sự chung tay và nâng cao ý thức của người dân. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ gửi đến bạn những số liệu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam và đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này.
Số liệu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
Ô nhiễm không khí
Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc Tế IEA năm 2018, lượng khí thải carbon từ các phương tiện giao thông vận tải đường bộ như xe buýt, ô tô tải, các loại ô tô hạng nhẹ chiếm lần lượt 6%, 27% và 44% mỗi năm. Các phương tiện cơ giới sử dụng xăng và dầu cũng xả ra không khí nhiều loại khí thải độc hại như NO2, CO, bụi…
Tính đến đầu năm 2020, Việt Nam có hơn 45 triệu chiếc xe máy và hơn 3 triệu ô tô tham gia giao thông, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo về tiêu chuẩn khí thải, không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên và đúng cách, gây ra việc thải bụi và chất độc hại ra không khí. Nồng độ bụi tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tăng nhanh, gây ra các đợt ô nhiễm không khí cao điểm, đặc biệt là các hạt bụi mịn nguy hiểm.
Ô nhiễm môi trường đất
Diện tích đất tại Việt Nam chiếm khoảng 33 triệu hecta, trong đó có khoảng 11 triệu hecta đất nông nghiệp. Một số nơi như Thái Nguyên, Lâm Đồng, quá trình khai thác của các đơn vị sản xuất thải ra nhiều đất đá khiến diện tích đất canh tác bị thu hẹp lại. Có thể kể đến 3 triệu m3 đất đá thải trong 1 năm ở Khánh Hòa, mỏ sắt Trại Cau với gần 2 triệu m3 đất đá thải trong 1 năm…
Theo các báo cáo gần đây, có đến 3,3 triệu hecta đất bị suy thoái mặc dù chưa đưa vào sử dụng; quỹ đất phục vụ nông nghiệp cũng bị ô nhiễm trầm trọng với hiện tượng khô cằn, xuất hiện các hạt màu trắng hoặc bọt…
Ô nhiễm môi trường nước
Trái đất có đến 70% diện tích là nước, tuy nhiên chỉ có 1% lượng nước là con người có thể sử dụng được – đó chính là nguồn nước ngầm dưới lòng đất. Việc xả ra những chất thải vào môi trường đất cũng đồng nghĩa với việc gây ô nhiễm chính nguồn nước mà chúng ta sẽ sử dụng. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, chất lượng nguồn nước tại sông suối, ao hồ tại Việt Nam đang suy thoái trầm trọng, biến chất và nguy hiểm do nước thải từ khu công nghiệp và các đô thị xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. Tại Hà Nội, mỗi ngày các nhà máy và cư dân thải ra 300.000 tấn nước thải chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Sông Tô Lịch, hồ Tây là những ví dụ điển hình cho nguồn nước bị ô nhiễm.
Những số liệu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam này cho thấy chúng ta cần ngay lập tức đưa ra nguyên nhân và giải pháp kịp thời để “cứu lấy” môi trường sống của chính mình.
Nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường
Chất thải từ xí nghiệp, khu công nghiệp, nhà máy
Quá trình công nghiệp hóa phát triển nhưng chưa được đầu tư đúng cách khiến cho môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Các nhà máy xả thải ra môi trường một cách ồ ạt và không qua quá trình xử lý khiến môi trường đang phải chịu những áp lực, đè nén nặng nề.
Hóa chất, chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu
Người nông dân vẫn sử dụng thuốc trừ sâu và các chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường để bảo đảm mùa vụ. Việc lạm dụng các loại hóa chất này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn thấm sâu vào môi trường đất, nguồn nước ngầm và không khí, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Chất thải rắn
Rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, y tế, xây dựng… cũng là một trong những yếu tố gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, việc phân loại rác thải cũng chưa được thực hiện nghiêm chỉnh, gây khó khăn trong việc xử lý và tiêu hủy rác thải.
Ý thức của người dân
Sự thờ ơ, bất chấp kỷ luật của người dân cũng chính là một trong những yếu tố then chốt gây nên sự ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng đồ dùng một lần, thản nhiên xả rác nơi công cộng hoặc cố tình lách luật khiến môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề.
Giải pháp khắc phục
- Nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và có những quy định xử phạt để răn đe, làm gương cho người khác
- Phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ để giảm bớt áp lực trong việc xử lý rác thải
- Tiết kiệm điện và nước, sử dụng các sản phẩm có thể tái chế
- Tại nơi công cộng, các khu du lịch, bệnh viện… cần bổ sung nhiều thùng rác và băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền người dân thực hiện quy định về bảo vệ môi trường
- Bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn chặt phá rừng và tích cực trồng nhiều cây xanh
- Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật
- …
Trên đây là những số liệu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, nguyên nhân và một vài giải pháp khắc phục tình trạng này. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tuyên truyền mọi người cùng nhau chung tay đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường.