Mụn viêm nang lông là tình trạng bệnh lý ở da tương đối phổ biến, chúng có có thể xuất hiện mọi nơi trên cơ thể, ở mọi lứa tuổi và giới tính. Hậu quả bệnh gây ra không nghiêm trọng nhưng có thể đem đến một số khó chịu nhất định và gây mất thẩm mỹ. Để biết thêm thông tin về mụn viêm nang lông, nguyên nhân hình thành và cách điều trị mời bạn tham khảo trong bài viết dưới đây.
Mụn viêm nang lông là gì?
Mụn viêm nang lông là một tình trạng bệnh lý về da, xuất hiện khi nang lông bị nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm, chúng có hình dạng khá giống mụn trứng cá. Nhưng mụn viêm nang lông đôi khi gây ngứa, sưng đỏ, nhức hoặc có vết sần trên da.
Tình trạng viêm nang lông có thể xuất hiện đầu hết mọi nơi trên cơ thể, ngoại trừ môi, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Những khu vực thường mắc phải bệnh này gồm: mặt, cổ, đùi, mông hoặc nách.
Các loại mụn viêm nang lông thường gặp
Mụn viêm nang lông cũng được chia thành nhiều loại tùy vào mức độ tổn thương trên cơ thể là một phần hay toàn phần và mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Các loại viêm lông bên ngoài (Viêm nang lông một phần)
- Mụn viêm nang lông do tụ cầu vàng: nguyên nhân gây bệnh là do virus Staphylococcus aureus. Hình thành những vết mụn đỏ nhỏ hoặc trắng có chứa mủ. Chúng sẽ tự khỏi hoặc tự cải thiện sau vài ngày điều trị ở nhà.
- Viêm nang lông do sử dụng bồn tắm nước nóng: nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa có trong nước nóng. Bạn sẽ thấy hiện tượng nổi mẩn đỏ, tròn, ngứa do sự lây nhiễm của vi khuẩn đến nang lông. Tình trạng viêm nang lông do sử dụng bồn tắm nước nóng cũng có thể tự khỏi khi được điều trị tại nhà.
- Viêm nang lông do lông mọc ngược: thường xuất hiện khi lông mọc ngược do cạo hoặc sau khi triệt lông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng viêm nang lông vùng kín. Chúng có thể để lại sẹo thâm hoặc sẹo lồi sau quá trình điều trị.
- Viêm nang lông do nấm Pityrosporum: một dạng nhiễm trùng nấm gây viêm nang lông. Da xuất hiện mụn đỏ, ngứa, chứa đầy mủ. Những khu vực thường gặp là lưng, ngực, cánh tay, cổ, mặt,…
Các loại viêm nang lông sâu (Viêm nang lông toàn phần)
- Viêm nang lông ở cằm (Sycosis barbae): xuất hiện do nhiễm trùng sau khi cạo râu. Chúng gây ra những vết sưng lớn, chứa đầy mủ và có khả năng để lại sẹo cao.
- Viêm nang lông do gram âm: nguyên nhân xuất hiện loại này do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh khi sử dụng thuốc kháng sinh điều trị mụn trứng cá trong một thời gian dài, dẫn đến tình trạng mụn nặng thêm, da tổn thương sâu.
- Mụn nhọt: xảy ra khi nang lông bị nhiễm trùng nặng và tổn thương sâu bên trong da. Mụn nhọt gây đau nhức, có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc một cụm.
- Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan: chúng thường xuất hiện ở người có hệ miễn dịch yếu hoặc trẻ sơ sinh, gây ra các vết sưng ngứa, mủ. Thường xuyên xuất hiện ở vai, cánh tay, cổ, trán.
Nguyên nhân gây mụn viêm nang lông
Mụn viêm nang lông được hình thành từ nhiều nguyên nhân. Một số yếu tố bên dưới được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Tổn thương da khi cạo râu.
- Dùng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài.
- Mắc bệnh thừa cân hoặc béo phì.
- Có tiền sử bệnh tiểu đường.
- Không được làm sạch da sau khi đổ nhiều mồ hôi.
- Sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc phòng xông hơi khô không được làm sạch đúng cách.
Cách điều trị mụn viêm nang lông
Mụn viêm nang lông nhẹ có thể tự khỏi và lành lại sau một khoảng thời gian điều trị tại nhà. Một số biện pháp dưới đây có thể giúp bạn giảm triệu chứng bệnh và chữa lành:
- Làm sạch vùng da bị nhiễm trùng 2 lần/ngày bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn.
- Làm sạch bằng nước muối. Dùng 1 thìa cà phê muối pha loãng với 2 cốc nước ấm. Nhúng khăn sạch làm ẩm với nước vừa pha, đắp lên vùng da bị viêm.
- Bạn cũng có thể thử dùng kem dưỡng da từ bột yến mạch hoặc kem hydrocortisone
- Sử dụng sữa rửa mặt kháng khuẩn để làm sạch da giúp hạn chế vi khuẩn trên da của bạn.
Trong trường hợp những phương pháp trên không mang lại hiệu quả, bạn hãy tìm gặp các bác sĩ chuyên khoa da liễu để nhận được tư vấn và cách chữa trị hữu hiệu nhất.